Đến với Đà Nẵng là đến với những trải nghiệm thú vị không đâu có được.
1. Thành phố của những cây cầu
Đà Nẵng không chỉ được biết đến như một thành phố xanh, sạch đẹp, văn minh, thân thiện và đáng sống, mà Đà Nẵng còn có sông Hàn thơ mộng chạy trong lòng thành phố và cả những chiếc cầu độc đáo bắc qua dòng sông này.
Tiêu biểu nhất phải kể đến là cầu quay sông Hàn, đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất tại Việt Nam, đem lại sự tò mò cho người dân và du khách đến Đà Nẵng. Mới mẻ hơn, du khách có thể bách bộ tại cầu Trần Thị Lý với những sợi cáp hình cánh buồm được thắp đèn led đổi màu độc đáo. Cách đó không xa là cầu Rồng với thiết kế đặc biệt như một con rồng uốn lượn giữa sông Hàn, có thể phun nước và phun lửa chắc chắn đem lại sự phấn khích cho du khách. Hay một ngày yên bình, du khách có thể ghé thăm cầu Thuận Phước bắc ngang qua biển ngắm nhìn nơi giao thoa giữa sông Hàn và vịnh Đà Nẵng, và cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên.
2. Bãi biển đẹp nhất hành tinh
Biển Đà Nẵng kéo dài gần 60km với nhiều bãi tắm liên hoàn đẹp tuyệt vời kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước được du khách thập phương biết đến là một trong những điểm nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển lý tưởng nhất khu vực Châu Á. Tạp chí Forbes – Mỹ đã bình chọn Biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh cùng với bãi biển Bahia – Brazil, Bondi – Úc, Castelo – Bồ Đào Nha, Las Minitas – Dominia, và Wailea thuộc bang Hawai của Mỹ.
3. Tuyến cáp treo nhiều kỷ lục thế giới
Cáp treo Bà Nà được xây dựng nhằm thay thế tuyến đường bộ vốn dĩ hiểm trở. Tuyến cáp mới với 86 cabin được thiết kế hở, vận tốc 6m/s giúp du khách trải nghiệm thời tiết bên ngoài ở độ cao hơn 1.000 m trong thời gian cáp vận hành. Từ chân núi, du khách có thể lên đến đỉnh Bà Nà chỉ trong 30 phút và tận hưởng các dịch vụ vui chơi giải trí cũng như nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bà Nà Hills.
Tuyến cáp này đạt 4 kỷ lục thế giới, gồm: Dài nhất: 5.801m; Độ chênh lớn nhất: 1.368m; Tổng chiều dài cáp dài nhất: 11.587m; Sợi cáp nặng nhất: 141,24 tấn.
4. Lễ hội pháo hoa quốc tế
Bắt đầu được tổ chức từ năm 2008 với sự tham dự của các đội pháo hoa quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới, lễ hội đã đem lại cho người dân Đà Nẵng và du khách những màn trình diễn đẹp mắt, công phu và hoành tráng. Qua từng năm, Cuộc thi Trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng đã và đang trở thành một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn của Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước và du khách quốc tế.
5. Bảo tàng điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam
Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
6. Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước
Làng đá Non Nước Đà Nẵng có từ rất lâu, theo các nghệ nhân cao tuổi ở Làng đá Non Nước, nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước có cách đây gần 200 năm. Tại làng đá Non Nước, du khách sẽ chọn được những món quà lưu niệm có giá trị và đặc sắc được mài dũa hết sức công phu bởi những nghệ nhân lành nghề, từ những mặt đá nhỏ xíu đến những bức tượng nặng hàng chục tấn. Tại Việt Nam có rất nhiều làng nghề điêu khắc đá truyền thống; nhưng có thể nói chỉ có làng nghề Non Nước dưới chân Ngũ Hành Sơn mới thực sự đưa nghề thủ công độc đáo này đến gần với du khách nhất, và mở rộng danh tiếng từ trong nước ra đến bạn bè quốc tế.
7. Thành phố không ăn xin
“Không có người lang thang ăn xin” là một trong 5 tiêu chí được Đà Nẵng phấn đấu trong nhiều năm nay. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tập trung tuyên truyền, động viên những người lang thang xin ăn trở về địa phương; chấn chỉnh người bán hàng rong chèo kéo khách tại các điểm du lịch ở các quận nội thành. Khi phát hiện người ăn xin, bán hàng rong không đúng quy định, người dân báo cho cơ quan chức năng địa phương; mỗi người báo tin được thưởng 200.000đ. Những nỗ lực này của chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tạo nên một bộ mặt đô thị đẹp đẽ trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Dù không được công nhận một cách chính thức, nhưng trong lòng nhiều người Đà Nẵng xứng đáng là thành phố đáng sống nhất.
8. Trung tâm ẩm thực miền Trung
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến ẩm thực Đà Nẵng. Có thể, ẩm thực Đà Nẵng không cầu kỳ tinh tế như Hà Nội, không đa dạng phong phú như Sài Gòn, nhưng nó mang trong mình những nét rất riêng của ẩm thực miền Trung. Những món ăn đặc trưng của dải đất miền Trung nắng gió đều có mặt tại Đà Nẵng từ bún cá, bún mắm, nem, tré Bình Định, rượu bàu đá Phú Yên, mỳ Quảng, cao lầu, cơm gà Hội An cho đến những món bánh cầu kì xứ Huế. Bạn rất dễ dàng tìm thấy nó trên các con đường tại Đà Nẵng. Và nếu có cơ hội, bạn nên ghé chợ Cồn hoặc chợ Hàn, để khám phá cả thế giới quà vặt đang ẩn chứa bên trong. Đêm về, hãy ra biển Mỹ Khê để hòa mình với những bữa tiệc hải sản tươi sống tại những hàng quán tại đây.
9. Cung đường di sản Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn – Huế - Động Phong Nha
Đà Nẵng với vị trí trung tâm của miền Trung đã trở thành cầu nối các di sản văn hóa thế giới thành một thể. Chỉ cách Đà Nẵng 30km, phố cổ Hội An sẵn sàng đón tiếp du khách từ khắp mọi nơi. Và cũng chỉ cần khoảng cách bấy nhiêu để di chuyển từ Hội An đến thánh địa Mỹ Sơn trầm mặc, huyền bí. Vươn xa hơn ra phía Bắc chỉ khoảng 100km, du khách đã có thể đến được với kinh thành và nhã nhạc cung đình Huế, và xa hơn nữa là khám phá động Phong Nha kỳ bí, hùng vĩ. Không chỉ là tâm điểm của 3 di sản thế giới, thành phố Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp đến nỗi du khách khó có thể nào quên được sau khi đã đến thăm thành phố này.
Với sân bay quốc tế Đà Nẵng, tuyến đường sắt Bắc Nam, và vô vàn các công ty lữ hành, du khách hoàn toàn có thể tìm được những dịch vụ tốt nhất cho chuyến đi của mình.
10. Thời trang du lịch
Đối với những cô gái muốn du lịch đến Đà Nẵng, việc chuẩn bị cả khăn len và bikini là điều hết sức bình thường. Đồ tắm khi đi biển Mỹ Khê; váy Maxi cho sông Hàn lộng gió; và còn cả áo dài khi thăm đền chùa và phố cổ Hội An… Đó là chưa kể còn có cả áo khoác và khăn len nếu đến với đỉnh núi Bà Nà mờ sương.
Chưa khi nào mà việc du lịch đến một thành phố lại phải chuẩn bị nhiều phong cách thời trang đối lập đến vậy. Tuy nhiên, đó lại là một điều hết sức thú vị và đáng để chúng ta khám phá.